THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 41
Số lượt truy cập: 10919819
QUẢNG CÁO
MỘT SỐ KINH NGHIỆM TRONG CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM 4/28/2025 10:48:30 AM
Để nâng cao chất lượng giáo dục thì việc đầu tiên của người giáo viên là làm tốt công tác chủ nhiệm lớp, nhưng công tác chủ nhiệm lớp không phải là một công việc đơn giản, nó luôn là vấn đề trăn trở đối với hầu hết các giáo viên . Vậy làm thế nào để những chủ nhân tương lai của đất nước có đủ đức lẫn tài? Làm thế nào để sự nghiệp giáo dục mang lại hiệu quả tốt? Làm thế nào để xây dựng được một tập thể vững mạnh phù hợp với lứa tuổi học sinh. Nhân cách học sinh được hình thành và phát triển bằng con đường nào? Làm thế nào để nâng cao chất lượng học tập và phẩm chất, năng lực của học sinh?


          Từ những vấn đề trên, qua nhiều năm giảng dạy và chủ nhiệm lớp, bản thân tôi cũng đã đúc kết và rút ra được một số kinh nghiệm qua từng năm đồng thời suy nghĩ tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp đi trước có uy tín, có năng lực để công tác chủ nhiệm của mình đạt kết quả cao. Sau đây, tôi xin trình bày kinh nghiệm của tôi  về“ Một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác chủ nhiệm lớp”

          Để công tác chủ nhiệm lớp có hiệu quả, những công việc mà giáo viên phải làm đó là:

Biện pháp 1: Tìm hiểu và phân loại học sinh trong lớp

Trong những ngày đầu năm học, nề nếp lớp chưa được ổn định. Trách nhiệm một giáo viên chủ nhiệm lớp  vận dụng ngay kinh nghiệm chủ nhiệm lớp mà tôi đã đúc kết qua nhiều năm giảng dạy nhằm làm tốt công tác chủ nhiệm lớp và nâng cao giáo dục toàn diện cho học sinh như sau:

Trước hết, tôi phải tìm hiểu kĩ từng đối tượng học sinh, biết được hoàn cảnh, năng lực của từng học sinh để có biện pháp giáo dục phù hợp đối với từng đối tượng. Để làm được việc đó, bản thân tôi cho các em viết lí lịch bản thân đồng thời gặp trực tiếp giáo viên cũ các lớp dưới để tìm hiểu. Hằng ngày quan sát, theo dõi các em khi các em chơi, trò chuyện với các em. Thường buổi học đầu tiên tôi cho các em tự giới thiệu về mình trước lớp. Từ đó nắm được phần nào đặc điểm của từng em. Những lúc rảnh tôi thường bắt chuyện để hỏi thăm các em về gia đình (Bố mẹ các em làm nghề gì? Nhà em có mấy anh chị em? Em đang sống cùng với ai? Hỏi thăm các em về những mối quan hệ với bạn bè (Em chơi thân với ai? Em thường đi học với bạn nào? Em thích học môn gì?) Khi trò chuyện với các em như vậy ta sẽ nắm bắt được hoàn cảnh, sở thích của các em, đồng thời tạo cho các em cảm giác gần gũi, thân thiện.

Đặc biệt tôi lưu ý các trường hợp: Bố mẹ đi làm ăn xa, bố mẹ li dị để các em ở lại với ông bà để tôi có biện pháp quản lý cụ thể đối với từng em.

– Kết hợp với giáo viên chủ nhiệm năm trước nhận bàn giao chất lượng HS đầu năm và phân loại đối tượng học sinh ngay đầu năm để biết được mặt mạnh, mặt yếu của từng em trong lớp từ đó lập kế hoạch giáo dục và giảng dạy cho phù hợp. Tôi phân ra 3 đối tượng: HS yếu, HS trung bình, HS khá giỏi. Để giáo viên chủ nhiệm theo dõi sát sao từng đối tượng, từ đó GVCN đưa ra từng mức thi đua cho phù hợp với từng đối tượng để các em có điều kiện và cơ hội phấn đấu. Ví dụ: những em trong đối tượng yếu thì các em học được điểm 5,6 là được tuyên dương.

Biện pháp 2:  GVCN phải bám sát lớp giai đoạn đầu năm.

          Thời gian này tôi đã bám sát lớp để theo dõi từng hoạt động của lớp để kịp thời tuyên dương gương tốt việc tốt, đồng thời phê bình, chấn chỉnh những hành động sai trái của các em để đưa lớp đi vào hoạt động một cách có nề nếp. Nếu có em nào vi phạm nội quy khó tiến bộ thì GVCN phải liên lạc ngay cho phụ huynh để cùng phối hợp giáo dục.

Biện pháp 3;  GVCN phải làm thế nào các em sử dụng hợp lý điện thoại

          Ngay từ khi mới vào nhận lớp chủ nhiệm, GVCN phải tìm hiểu việc sử điện thoại của các em để từ đó có hướng giải quyết .Đặc biệt trong cuộc họp phụ huynh đầu năm GVCN phải bàn bạc, quán trệt với phụ huynh việc quản lý điện thoại một cách hợp lý.  Đối với lớp tôi,GVCN bàn với phụ huynh chỉ cho các em sử dụng điện thoại thời gian từ 6h30 đến 7h tối. Trong các buổi sinh hoạt tôi đã phân tích cho các em hiểu về tác dụng và tác hại của việc sử dụng điện thoại.

Biện pháp 4: GVCN phân công cụ thể cho Ban cán sự lớp.

 Sau khi đã bầu chọn được Ban cán sự của lớp, tôi phát cho mỗi thành viên  một quyển sổ, hướng dẫn các em ghi chép cụ thể, khoa học. Tôi giao nhiệm vụ cụ thể cho từng em    

* Nhiệm vụ của lớp trưởng:

– Theo dõi, kiểm tra mọi hoạt động của lớp.

– Điểm danh và ghi sĩ số của lớp vào từng ngày, tổng hợp từng tuần.

– Điều khiển các bạn xếp hàng vào lớp, xếp hàng chào cờ đầu tuần, xếp hàng tập thể dục.

– Giữ trật tự lớp khi giáo viên không có ở lớp, khi lớp dự lễ chào cờ đầu tuần, sinh hoạt tập thể, hoạt động ngoại khóa.

– Cuối tuần có nhận xét tổng hợp cụ thể từng bạn.

– Đề nghị giáo viên tuyên dương, phê bình cá nhân hoặc tập thể.

Nhiệm vụ lớp phó lao động:

– Chỉ đạo và theo dõi công tác lao động vệ sinh, chăm sóc cây, thư viện. Phối hợp với chủ tịch, các trưởng ban để thực hiện nhiệm vụ. Phụ trách ban lao động, ban văn nghệ – thể dục thể thao.

* Nhiệm vụ của trưởng ban học tập:

– Tổ chức lớp chữa bài tập đầu giờ (15 phút đầu giờ), tổ chức điều hành các bạn học tập trong một số tiết tự học; giúp đỡ các bạn còn khó khăn, hạn chế trong học tập, tiếp thu bài trên lớp.

– Điều khiển các bạn trao đổi, thảo luận hoặc trả lời câu hỏi trong tiết học khi giáo viên yêu cầu.

– Theo dõi việc học tập của lớp trong các tiết giáo viên chuyên trách dạy.

* Nhiệm vụ của trưởng ban Văn nghệ thể dục thể thao và trưởng ban lao động, trưởng ban đạo đức, sức khỏe vệ sinh.

– Tổ chức cho các bạn múa hát tập thể, tập thể dục, thi văn nghệ hoặc các hoạt động phong trào của lớp.

– Phân công, theo dõi và kiểm tra các tổ trực nhật và chịu trách nhiệm tắt đèn, quạt khi ra về.

– Phân công các bạn tưới cây, chăm sóc bồn hoa và cây trồng của lớp.
– Theo dõi, kiểm tra các bạn khi tham gia các buổi lao động do trường, lớp tổ chức.

– Phối hợp với hai phó chủ tịch giữ trật tự lớp.

          Cuối mỗi tuần, vào tiết sinh hoạt tập thể ngày thứ sáu, chủ tịch hội đồng tự quản, phó chủ tịch hội đồng tự quản báo cáo các mặt hoạt động của lớp. Căn cứ vào báo cáo của từng em và sự theo dõi của bản thân, tôi nắm được khả năng quản lí lớp của từng em và biết rõ hơn về hoạt động của tất cả các học sinh trong lớp. Cuối mỗi tháng, tôi tổ chức họp Hội đồng tự quản lớp 1 lần để tổng kết các mặt làm được của lớp, động viên khen ngợi những việc các em đã làm tốt, đồng thời chỉ rõ những thiếu sót và hướng dẫn các em cách khắc phục.

* Biện pháp 5 Tổ chức cho học sinh học nội quy trường, lớp.

Đầu năm học, tôi thường tổ chức cho các em học nội quy của trường, lớp để các em nắm được và thực hiện theo.

* Biện pháp 6 Xây dựng nề nếp và năng lực tự quản của học sinh

          – Để làm tốt công tác tự quản, trước hết giáo viên chủ nhiệm phải tập huấn cho đội tự quảnvà giao nhiệm vụ cho từng thành viên, sau khi các em đã nhận biết vai trò trách nhiệm của mình các em sẽ có ý thức tự quản tốt. Nhưng trong thời gian đầu năm học giáo viên chủ nhiệm phải theo dõi sát sao các hoạt động của các ban để phát hiện mặt còn hạn chế và uốn nắn kịp thời. Bám sát kế hoạch của Nhà trường, của Đội để vạch ra kế hoạch từng tuần, từng tháng theo từng chủ điểm, từng đợt thi đua để đội tự quản có kế hoạch theo dõi, hướng dẫn các bạn thực hiện.Nề nếp lớp cần đặt ra nội quy ngay từ đầu. Học sinh nhanh chóng nắm bắt được các tình huống trong mỗi giờ học và nhận ra những gì chúng sẽ được cho phép, những lỗi nào được bỏ qua. Một khi giáo viên “lờ” đi những sự quậy phá hoặc những nguyên tắc áp dụng trong lớp học không đủ mạnh để chấn chỉnh, dập tắt các trò nghịch ngợm thì rất khó để bắt đầu hay tiếp tục điều khiển lớp học tốt hơn. Vì vậy ngay từ đầu, giáo viên phải đề ra nội quy rõ ràng và tuân thủ nó.

      – Học sinh hoàn toàn có thể phân biệt điều gì là công bằng và điều gì thì không. Vì thế, giáo viên cần phải đối xử bình đẳng đối với tất cả học sinh nếu mong được học sinh tôn trọng.

       – Phân chia đôi bạn “Cùng tiến”. Khi phân chỗ ngồi, tôi bố trí cho học sinh tiếp thu nhanh ngồi cạnh học sinh còn hạn chế. Em nhanh sẽ theo dõi, hướng dẫn bạn, kèm cặp bạn trong học tập. Nếu đôi bạn nào có tiến bộ thì tôi tuyên dương cho đôi bạn đó để khích lệ tinh thần. Chính vì vậy đôi bạn nào cũng muốn mình được khen nên các bạn rất nhiệt tình giúp những bạn còn hạn chế trong học tập. Ngược lại, các bạn còn hạn chế cũng cố gắng học tập để không làm ảnh hưởng đến bạn mình.

* Với cách làm trên, tôi đã xây dựng được một kế hoạch chủ nhiệm chi tiết, phù hợp với thực tiễn học sinh của lớp. Đặc biệt đã bầu chọn ra được  Hội đồng tự quản lớp có năng lực, có khả năng cùng Giáo viên chủ nhiệm tham gia và điều hành  tốt các hoạt động của lớp.

          Biện pháp 7: Giúp đỡ học sinh gặp khó khăn trong học tập

           Đầu năm tôi xác định rõ dạy phụ đạo cho học sinh còn hạn chế trong học tập là trách nhiệm, là việc làm thường xuyên của giáo viên chủ nhiệm. Ngay từ đầu năm học, tôi khảo sát để  phân loại học sinh, lập danh sách học sinh còn hạn chế về kiến thức và lên kế hoạch dạy phụ đạo giúp đỡ cho các em. Khi thực hiện việc dạy phụ đạo học sinh hạn chế về kiến thức, tôi phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra học sinh để nắm được tình hình học tập của các em. Một mặt là giúp các em có thể nêu lên những thắc mắc về những điều các em chưa hiểu trong tiết học chính khoá để giáo viên có thể giải đáp cho học sinh đồng thời hướng dẫn cho học sinh làm bài tập, giải quyết những khó khăn. Từ đó từng bước lấp dần những chỗ hổng kiến thức của các em, giúp các em có những kiến thức cơ bản nhất về chương trình học.

Động viên, khích lệ ý thức, thái độ học tập cho học sinh. Giáo viên phải tìm cách khuyên nhủ, nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng mang tính nghiêm khắc, tuyệt đối không được đuổi học sinh ra ngoài, gây áp lực hoặc xúc phạm học sinh.

Thường xuyên kiểm tra đến vở ghi của các em, ưu tiên những câu hỏi, những bài tập vừa sức cho các em. Điều đáng lưu ý ở đây là giáo viên luôn tôn trọng và làm cho học sinh cảm thấy vẫn được tôn trọng, khuyến khích, tuyên dương  khen ngợi kịp thời đối với từng tiến bộ nhỏ của các em. Từ đó  giáo viên làm cho các em có lòng tin vào bản thân mình và cảm thấy vẫn còn giá trị với thầy cô và bạn bè và tập thể lớp.

Tổ chức nhóm học tập cho các em. Trong nhóm có đủ các đối tượng học  sinh khá, giỏi, trung bình, ..tạo ra phong trào thi đua học tập giữa các tổ. Giáo viên chỉ  hướng dẫn cho các em nhóm trưởng  giúp đỡ  các bạn học yếu ( tuyệt đối không làm thay) và  luôn động viên các bạn học yếu trong nhóm mình trong tổ phát biểu ý kiến, trình bày kết quả thảo luận trong tổ để tạo cho các bạn sự  tự tin trước tập thể, mạnh dạn trong học tập nhưng cũng không được chê trách hay chế giễu bạn khi bạn nói sai, làm sai.     

*Với cách làm này, tỷ lệ học sinh chậm tiến độ của lớp tôi giảm hẳn, học sinh có ý thức tự học hơn, biết lắng nghe và tự sửa chữa lỗi sai trong bài làm của mình.

Biện pháp 8: Tổ chức tốt tiết sinh hoạt tập thể cuối tuần.

Mỗi tuần có tiết sinh hoạt tập thể. Trong giờ sinh hoạt tập thể, cần tạo cho các em tâm thế thoải mái, không gây sức ép nặng nề đối với học sinh bằng những lời trách phạt, phê bình mà tôi tập cho các em biết tự phê bình và phê bình bằng cách :

+ Tôi cho học sinh tự nhận xét ưu, khuyết của bản thân sau đó tổ tự quản nhận xét bổ sung nếu thấy thiếu. Bên cạnh đó tôi cũng tạo điều kiện cho học sinh bày tỏ những suy nghĩ của mình qua một tuần học: những điều em thích, những điều em chưa thích, mong muốn của em, … Qua đó, tôi nắm được tâm tư, nguyện vọng của từng học sinh mà có những biện pháp giáo dục phù hợp.

+ Để khích lệ sự tiến bộ của học sinh trong tuần về mọi mặt, tôi đã cho học sinh tự bầu và chọn ra những bạn có tiến bộ trong tuần về học tập cũng như các mặt khác để động viên kịp thời các em bằng những chiếc bút hoặc quyển vở để khích lệ các em.

*Như vậy, tiết sinh hoạt tập thể cuối tuần của lớp tôi diễn ra rất thoải mái, tự nhiên, hiệu quả. Học sinh hứng thú tham gia tiết sinh hoạt, coi giáo viên  vừa là thầy cô vừa là người bạn để tâm sự, chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc.

          Biện pháp 9 Phối hợp cùng gia đình học sinh, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan

         Ảnh hưởng của gia đình đối với trẻ em vô cùng to lớn. Do đó giáo viên chủ nhiệm cần phải kết hợp chặt chẽ với gia đình trong quá trình giáo dục và cụ thể là tiến hành đều đặn các công việc:

– Hàng tháng thông báo kết quả học tập của học sinh cho gia đình biết để phối hợp giáo dục.

– Thường xuyên trao đổi với phụ huynh học sinh để có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường bằng cách trao đổi qua điện thoại, đến nhà, bằng sổ liên lạc.. để phụ huynh giáo dục các em học tập cũng như tránh xa các tệ nạn xã hội và có phương pháp bảo vệ con em mình trước các tệ nạn xã hội và kẻ xấu có thể xâm hại đến các em.

  – Mời phụ huynh đến trường trong những trường hợp cần thiết để gia đình nắm được thực trạng tình hình con cái họ. Chẳng hạn: Vào những ngày đầu năm học, lớp tôi phụ trách có em Nhân thường xuyên quên sách vở và đồ dùng học tập hoặc em Khang, em Quỳnh Anh không thuộc bài cũ, ít chú ý nghe giảng. Mặc dù tôi đã nhắc nhở nhiều lần nhưng các em này vẫn chưa tiến bộ. Tôi quyết định mời phụ huynh của ba em đến lớp để trao đổi và yêu cầu phụ huynh quan tâm, nhắc nhở con em mình. Chỉ một tháng sau, nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa giáo viên chủ nhiệm và gia đình học sinh mà ba em có tiến bộ rõ rệt.

        Ngoài ra tôi còn phối hợp với các đoàn thể nhà trường, các ban ngành có liên quan có những biện pháp giáo dục những học sinh chưa thực sự tham gia tích cực các hoạt động của trường, của lớp hay những học sinh có hoàn cảnh khó khăn,  tham mưu cùng BGH để bản thân các em được quan tâm nhiều hơn, được hỗ trợ nhiều hơn về vật chất cũng như tinh thần giúp các em vững bước trên con đường học tập. Mặt khác, đề nghị các cấp kịp thời khen thưởng những học sinh có tiến bộ về nhiều mặt, học sinh có thành tích tốt trong học tập…

Trên đây là một số kinh nghiệm của bản thân trong công tác chủ nhiệm lớp trong những năm vừa qua.                                                    

Giáo viên: Ngô Thị Nhàn
TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Nguyễn Văn Chung
Nguyễn Văn Chung
Hiệu trưởng
Lê Văn San
Lê Văn San
P.Hiệu trưởng
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG THCS HỒNG THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Địa chỉ: Xã Hồng Thủy - Huyện Lệ Thủy - Tỉnh Quảng Bình
Điện thoại: 0914812994 * Email: thcshongthuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com