Không còn nữa cái rét cắt da, cắt thịt, dường như mùa đông đang dần thu mình để nhường chỗ cho những ánh nắng ấm áp của mùa xuân bắt đầu len lỏi qua những đám mây phủ lên những cánh đồng mạ non xanh mướt. Ta cảm nhận rõ sắc xuân đang dần tới, cây cỏ cũng dang cành lá quấn quýt với gió xuân. Mọi người cũng bắt đầu chuẩn bị sắm sửa cho những ngày Tết đến. Đâu đây đã thấy sự tất bật, hối hả của những ngày cuối năm, và trong tôi bỗng sống lại những kí ức về những ngày Tết của tuổi thơ …
Tôi còn nhớ như in cái thời mà cả
xóm tôi chung nhau một con lợn Tết, nhà nhà gói bánh chưng, bánh đòn đón chờ
ngày Tết, thật đầm ấm và bình dị. Năm nào cũng vậy, cứ đến chiều 30 Tết là ba
mẹ tôi lại tất bật với nồi bánh đòn, bánh chưng. Ba tôi khéo tay lắm, những
chiếc bánh đòn được ba gói thật tròn, thật gọn gàng trông rất đẹp mắt. Hồi đó,
nhà tôi hay gói bánh đòn nhiều hơn là bánh chưng. Ba tôi vẫn bảo: “Gói bánh để
lễ tết thắp hương cho ông bà tổ tiên nên phải làm cẩn thận, đẹp đẽ để ông bà
phù hộ cho con cháu”. Mấy chị em tôi còn nhỏ, cứ mỗi lần thấy ba gói bánh như
vậy là háo hức lắm. Tôi cũng xông vào xin phụ gói nhưng mẹ tôi chỉ cho tôi phụ
trách khâu buộc lạt. Tôi vốn vụng về nên buộc cũng không đẹp, không chặt, mẹ
tôi cứ mắng: “ Mày lo học dần đi, con gái còn đi lấy chồng, mai mốt về nhà
chồng phải biết gói bánh đấy”. Lúc ấy, tôi chỉ cười khì khì. Bao giờ cũng vậy,
sau khi gói bánh xong ba tôi cũng làm cho mấy chị em mỗi đứa một chiếc bánh nhỏ.
Hồi hộp nhất là thời khắc luộc bánh, chị em tôi háo hức chờ đợi như thể chờ đợi
một điều gì đó thiêng liêng lắm. Buổi tối, mẹ tôi cho nồi bánh lên bếp, ăn cơm
xong cả nhà quây quần bên nồi bánh. Cái lạnh của không khí đầu mùa xuân hòa
quyện với mùi thơm của bánh bên bếp lửa hồng, lại được nghe ba kể chuyện về
những ngày tham gia bộ đội thật là tuyệt. Từng câu chuyện như những dòng chảy
cứ ngấm vào trong sâu thẳm tâm trí của chúng tôi. Cứ ngồi vậy nghe những
câu chuyện của ba mà chúng tôi được thức để đón giao thừa. Chỉ thằng em út là
vừa nghe mắt vừa ríu lại mà miệng vẫn cứ dặn mẹ : “ Lúc nào bánh chín, mẹ gọi
con nhé “.
Sáng
mồng một, chúng tôi dậy thật sớm, vừa mở mắt ra là chúng tôi đã chạy đi các nhà
để nhặt pháo. Hồi đó, vẫn chưa cấm đốt pháo, nhưng không phải nhà nào cũng có
tiền để mua pháo đốt, ví như nhà tôi vậy. Thế nên, chúng tôi đến những nhà nào
đốt pháo để tìm nhặt những cái pháo còn sót lại chưa kịp cháy. Cả lũ trẻ trông
xóm tôi cứ thế ùa vào nhà này rồi đến nhà kia, tranh nhau từng cái. Khi đã nhặt
khá nhiều rồi, chúng tôi tụ lại, bóc ra từng cái pháo, đổ từng miếng bột pháo
bên trong ra một tờ giấy bạc, phía dưới kê một hòn đá, giữa đặt gói giấy bạc,
rồi kê lên trên thêm hòn đá nữa. Và rồi đứa nào mạnh nhất
thì lấy hết sức mình, cầm một hòn đá to, ném vào chỗ đó để gây nổ. Khi toàn bộ
chỗ thuốc pháo ấy nổ “đùng” một tiếng là cả bọn xung quanh đứng hò reo vui
mừng. Giờ nghĩ lại thấy nguy hiểm thật nhưng đó lại là niềm vui ngày Tết của lũ trẻ chúng tôi.
Giờ đây, cuộc sống đã đổi thay nhiều, ngày Tết
ở quê tôi vẫn mang màu sắc của thôn quê nhưng
lũ trẻ bây giờ chúng có những niềm vui riêng của ngày Tết, chúng không còn chơi
những trò chơi như chúng tôi nữa, và có lẽ chúng cũng không biết cái cảm giác háo
hức khi trông nồi bánh chưng cùng bố mẹ như thế nào.
Thật sự tôi muốn được trở về tuổi thơ, được
sống lại không khí ngày Tết ấm cúng, hạnh phúc của những mùa xuân đã qua.