DANH MỤC CHÍNH
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 14
Số lượt truy cập: 10181946
QUANG CÁO
Ý NGHĨA NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8-3 3/4/2024 4:50:29 PM
Lịch sử và ý nghĩa ngày 8/3 bắt đầu từ phong trào nữ công nhân nước Mỹ. Cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ cũng là lúc giới công nhân bị bóc lột nặng nề nhất: không chỉ đàn ông mà cả phụ nữ và trẻ em đều bị vận động làm việc tại các nhà máy công nghiệp liên tục 12h mỗi ngày trong những điều kiện tồi tệ với đồng lương rẻ mạt không đủ sống…Trước sự bất công đó, vào ngày 8/3/1857, không thể chịu nổi sự bóc lột đến tàn bạo của giới chủ, hàng ngàn công nhân dệt tại New York đã tiến hành biểu tình đòi tăng lương, giảm giờ làm, và tạo một số quyền lợi của phụ nữ. Tuy bị đàn áp đẫm máu nhưng cuộc biểu tình đã mở ra một thời kỳ mới trong phong trào đấu tranh của công nhân trên toàn thế giới.

Cuộc đấu tranh của nữ công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới, đặc biệt có ảnh hưởng đến phụ nữ ở nước Đức, một nước có nền công nghiệp phát triển mạnh lúc bấy giờ. Ngày 8/3/1899, phong trào đấu tranh bắt đầu từ nữ công nhân ngành dệt và ngành may tại hai thành phố Chicago và New York, lan rộng trên toàn nước Mỹ rồi sang đến châu Âu. Ngày 8/3/1908, 15.000 phụ nữ đã diễu hành trên đường phố New York với khẩu hiệu “Bread and Roses ! Bánh mì và hoa hồng!” đòi giới chủ đảm bảo đời sống và điều kiện làm việc trong đó: bánh mì tượng trưng cho bảo đảm kinh tế gia đình, hoa hồng tượng trưng cho đời sống tốt đẹp hơn.

Ngày 8/3/1910, tại Hội nghị Phụ nữ tại Copenhaghen (Đan Mạch) hơn 100 đại biểu đến từ 17 quốc gia trên thế giới thống nhất chọn ngày 8/3 hàng năm là ngày tôn vinh phụ nữ, ngày mà phụ nữ trên toàn thế giới đoàn kết đấu tranh đòi chế độ làm việc 8h/ngày, quyền được làm việc như nhau giữa nam giới và phụ nữ với khẩu hiệu: “Ngày làm 8 giờ”; “Việc làm ngang nhau”; “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”. 

Từ đó, ngày 8/3 hàng năm trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.

Ở nước ta, ngày 8/3 còn là ngày kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng - hai  nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Niềm tự hào và ý chí vươn lên của phụ nữ Việt Nammột phần cũng có cội nguồn từ truyền thống dân tộc độc đáo đó. 

Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của các Lạc hầu, Lạc tướng, của những người yêu nước ở khắp các thị quận và đông đảo lực lượng là phụ nữ tham gia khởi nghĩa. Được sự ủng hộ đông đảo của các lực lượng, cuộc Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã lan rộng khắp nơi. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Hai Bà Trưng, cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi, đập tan chính quyền đô hộ, buộc tướng Tô Định phải cải trang, cắt tóc, cạo râu trốn về nước. Sau cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Bà Trưng Trắc được các tướng lĩnh và nhân dân suy tôn làm vua. Bà lên ngôi và lấy niên hiệu là Trưng Nữ Vương; đóng đô ở Mê Linh (huyện Mê Linh – tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay).

Năm 42, nhà Hán lại kéo quân sang xâm lược nước ta. Hai Bà lại một lần nữa ra quân, phất cờ khởi nghĩa, bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, do chênh lệch thế lực với địch quá lớn nên cuộc khởi nghĩa chỉ kéo dài 2 năm. Hai Bà đã hy sinh anh dũng để bảo vệ dân tộc. Mặc dù chỉ giành độc lập trong thời gian ngắn nhưng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần dân tộc cao cả. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng còn là một minh chứng cho sức mạnh lớn lao, khả năng dồi dào của người phụ nữ ViệtNam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trang sử oanh liệt này sẽ mãi mãi được lưu truyền cho muôn đời con cháu mai sau.

Ngày 8/3/1965, đánh giá cao cống hiến của phụ nữ miền Nam Đảng, chính phủ, Bác Hồ đã tặng bức trướng thêu 8 chữ vàng: "Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang" và Nhà nước đã tặng Phụ nữ miền Nam Huân chương "Thành đồng" hạng nhất.

Phụ nữ Việt Nam đã đóng góp xứng đáng vào thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Tên tuổi của những nữ anh hùng đã hy sinh xương máu của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do của Tổ quốc mãi mãi khắc ghi trong con tim của mỗi người Việt Nam chúng ta; đó là các nữ anh hùng Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Út Tịch, Lê Thị Hồng Gấm, Mẹ Suốt, 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc... Mỗi người chúng ta chắc đều xúc động khi đọc cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Cuộc sống chiến đấu, lòng quả cảm và tình người tỏa ra từ cuộc đời của người nữ bác sĩ phụ trách một trạm quân y tiền phương trong chiến tranh ấy, dù cách đây đã bốn chục năm, vẫn truyền lửa, để chúng ta có thêm sức mạnh đấu tranh với những cám dỗ tầm thường hôm nay, từ đó có thể sống trong sạch và biết phấn đấu cho lý tưởng cao đẹp vì Đảng, vì dân, vì nước. 

Không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ thời hiện đại: Họ vừa là người nội trợ, vừa tham gia lao động xã hội, đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển của đất nước, không những thế họ còn giữ một thiên chức cao cả là một người mẹ, mang nặng đẻ đau ra những đứa con và nuôi dạy chúng thành người. Phụ nữ ngày nay đang dần khẳng định mình là phái đẹp chứ không còn là phái yếu như trước kia. Vì họ là những người bản lĩnh và giàu lòng vị tha hơn bao giờ hết…


z5216010164366_fc251f2a4af273686d889e4d1f8a5352.jpg

 

Giáo viên: Nguyễn Thị Thuỷ
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Nguyễn Văn Chung
Nguyễn Văn Chung
Lê Văn San
Lê Văn San
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


BẢN QUYỀN THUỘC VỀ TRƯỜNG THCS HỒNG THỦY
Địa chỉ: Xã Hồng Thủy - Huyện Lệ Thủy - Tỉnh Quảng Bình
Điện thoại: 052.3950040 * Email: thcs_hongthuy@lethuy.edu.vn