Hò khoan là một nét văn hóa của người dân Việt Nam, là nhu cầu không thể thiếu được trong tư duy và sinh hoạt của nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn. Người dân nông thôn quanh năm lao động vất vả, một nắng hai sương, vì vậy hò khoan được coi là yếu tố tạo ra sự thư giãn tinh thần, là sự biểu hiện cách ứng xử văn hóa với thiên nhiên, xã hội và cộng đồng. Con người có thể tìm thấy chính mình, sự hồn nhiên, hưng phấn nghệ thuật, những cảm xúc chất phác, trong sáng khi được giao lưu với nhau trong qua trình đối đáp hò khoan. Đồng thời thông qua những câu hát đối đáp con người nguyện cầu về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, khỏe mạnh, mùa màng bội thu,là dịp trai gái bày tỏ tâm tư tình cảm của mình ...
Cũng như bao vùng quê khác ở Quảng Bình nói
riêng và cả nước nói chung, Lệ Thủy là vùng đất mang trong mình bề dày văn hóa
lâu đời, nét giao thao văn hóa và pha trộn văn hóa của người Việt từ phía Bắc
vào và của người Chăm ở miền Trung, nhưng chủ yếu của người Việt đã tạo nên nét
đặc trưng riêng đó là văn hóa Lệ Thủy. Đây là vùng đất có nhiều làn điệu dân ca
truyền thống, thể hiện đời sống văn hóa tinh thần khá đa dạng như: Hò
khoan giã gạo, hò đối đáp đêm trăng...
Mọi hình thức văn nghệ dân gian, đều thể hiện
bản sắc văn hóa nơi nó sinh ra, đậm đà, sâu sắc. Loại hình hò khoan Lệ Thủy -
Quảng Bình, không những thế mà còn là làn điệu rất độc đáo nữa. Do hoàn cảnh
địa lí, người dân Quảng Bình phải gánh chịu thiên tai hết sức khắc nghiệt và
địch họa rất ghê gớm nên có tính cách riêng. Lịch sử đã chứng minh nhiều lần kẻ
địch muốn hủy diệt vùng đất hẹp này, song lần nào, người Lệ Thủy Quảng Bình
cũng anh dũng đứng lên đấu tranh thắng lợi, bằng nhiều cách rất độc đáo, rất
linh hoạt, lạc quan. Cuộc sống ấy được thấm đẫm vào từng người rồi thể hiện ra
trong 9 làn điệu hò: mái chè, mái nện, mái xắp, mái ba, mái ruỗi, mái nhì, hò
khơi, hò nậu xăm, hò lĩa trâu. Trong 9 làn điệu ấy thì hò mái xắp là phổ biến
hơn cả, nó đặc biệt sâu rộng. Trước đây, người Lệ Thủy gần như già, trẻ, gái,
trai đều biết hò. Chưa có một hình thức văn hóa, văn nghệ nào mang tính phổ
thông như hò khoan ở vùng này.
Ai cũng biết, mỗi dân tộc, mỗi địa phương đều
có những làn điệu dân ca đặc trưng. Các làn điệu khác thường diễn ra trong các
lễ hội. Hàng năm, vào những ngày nhất định, ở những tụ điểm có sẵn, đã thành “
lệ” như một quy định có truyền thống. Người dự hội, chủ yếu là nam thanh, nữ tú
ăn mặc quần áo rất đẹp của mình, trang điểm hẳn hoi rồi mới đến dự hội. Đến đó,
chốn người đông, bên nam bên nữ chọn những tay “anh chị” nhất của giới mình ra
hát đối đáp. Những liền anh, liền chị ấy là những giọng hát chọn lọc, có sẵn
những bài dân ca, chuẩn bị từ trước…
Hò khoan Lệ Thủy - Quảng Bình thì không như
thế. Nó diễn ra chủ yếu trong lúc làm việc, hò khoan theo nhịp của lao động
chân tay, tay làm miệng hát, lúc đập lúa, nhổ mạ, lúc cấy, gặt, đạp lúa, rũ
rơm, xay thóc, giã gạo…nó cũng diễn ra lúc lễ lạc, hội hè ở sân đình, chay
rạp…nhưng chỉ là số ít. Phổ biến nhất là giã gạo trên sân nhà, dưới ánh trăng
đêm. hò khoan còn là một nguồn kích thích đẻ quên đi cái mệt nhọc vất vả, quên
cái đói cồn cào trong bụng. Lúc đói hát càng hay thì đó quả là điều kì diệu.
Kinh nghiệm cho thấy “Đau nên mát, đói hát hay”, mọi người đều công nhận như
thế. Bởi vậy, nơi nào họ cũng hò hát được. Đang làm việc ở trên đồng, trên
sông, phá, trên đường đi, giữa chợ rồi đến hội nghị, đám cưới và cả trên sân
khấu đều hò. Một người càng hò, hai người càng hay, càng đông càng tốt, rất độc
đáo ai cũng diễn viên, ai cũng khán giả. Nếu chỉ có một mình thì vừa hò cái,
vừa hò con. Hai người trở lên thì một người hò cái nhiều người hò con, thể hiện
đủ mọi đề tài. Hò thi nhau, trêu tức nhau, hò cái trục trặc, hò con thay hò cái
ngay. Hò nối hơi, nối sức, nối trí… rất uyển chuyển, linh hoạt.
Hò khoan Lệ Thủy- Quảng Bình tính nhân văn rất
cao. Sự bình đẳng gần đến như tuyệt đối. Đã vào hò là không phân biệt giàu
nghèo, sang hèn, chủ tớ, tuổi tác, nghề nghiệp, quê quán…nghèo mà hò hơn giàu,
tớ mà hò hơn chủ càng được tôn trọng, nhiều khi còn được chủ thưởng... Nếu nói
rằng, bình quyền, bình đẳng là nội dung sâu sắc nhất của chữ nghĩa nhân đạo, mà
mục tiêu loài người muốn vươn tới, nó được nêu ra trong các khẩu hiệu cách mạng
và rất khó đạt được, thì trong hò khoan nó không còn là mục tiêu, là khẩu hiệu
mà là hiện thực, ai cũng tôn trọng, cũng tự giác chấp hành, đem lại cho con
người cái quyền cơ bản nhất.
Cũng như các thể loại văn nghệ dân gian khác,
hò khoan phản ánh mọi mặt của cuộc sống: Tình yêu trai gái, quan hệ vợ chồng,
bè bạn…rồi các hoạt động khác của xã hội như: hò chủ tớ, lính mộ, hò sản xuất,
địch vận, hò thợ mộc, thợ nề, thợ may, nậu săm, lỉa trâu…Nó mang tính nhân đạo
và tính chiến đấu. Nó là chân, thiện, mỹ…
Thời chống Mỹ hò khoan rộn ràng cả
vùng quê Hai Huyện, nội dung lao động sản xuất và đấu tranh thống nhất nước nhà
đã biến thành tình cảm, thành hành động:
“…Nhờ có Đảng, ngọn đèn sáng tỏ.
Bưng bát cơm ăn, lòng tự nhủ lòng:
Vì tự do độc lập, vì thống nhất non sông.
Xin hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc để tỏ dạ hiếu trung với
nước nhà.
Tổ quốc thống nhất rồi, đất nước đang trên đường đổi mới.
Khai thác thế mạnh vùng đồi, làm giàu cho quê hương, được các câu hò khoan phản
ánh rất hay:
“…Vùng chiến khu xưa, đang tong ngày chuyển đổi.
Vận hội đến rồi, vùng kinh tế mới hòa
vui.
Đồi tiếp đồi điện sáng trăng soi,
Ngỡ Thiên Thai lạc bước, tưởng Bồng Lai chốn này.
Rõ ràng hò khoan là vũ khí vạn năng, phong phú đa dạng gắn
liền với cuộc sống của người dân từ xưa đến nay.
Nói về nghệ thuật, hò khoan Lệ Thủy cũng hết
sức độc đáo, sử dụng rất nhiều các biện pháp tu từ: hoán dụ, ẩn dụ, so sánh,
nhân hóa, đồng âm dị nghĩa, nói lái, nói leo…làm cho ngôn ngữ phong phú, tinh
tế, cuốn hút người nghe. Nó còn độc đáo ở nhạc điệu. Nghe hò một câu cũng hay,
nghe hò thâu đêm suốt sáng, cũng không chán.
Đặc trưng của âm nhạc trong hò khoan là không
có nốt kết, nốt kết của hò con mở ra nốt đầu cho hò cái, nốt kết của hò cái lại
mở đầu cho hò con, nó là sự chuyển tiếp thành một dây, như dãy số tuần hoàn
trên trục số, không bao giờ dứt cả.
Về nhịp điệu câu chữ trong hò khoan rất linh hoạt. Từ hai nhịp có thể kéo dài
ra năm, sáu nhịp.Từ giữa câu có thể bắt lại đầu câu, vì thế là một câu thơ lục
bát có thể thành ra câu hò. Câu song thất lục bát cũng hò được, nói một lối rất
dài cũng hò được.
Câu
hò ngắn:
“ Ai mà đốt độông, cháy tranh.
Cho liềm bỏ xóc cho anh bỏ nàng!”
Câu hò dài:
“ Tệ lắm anh ơi! bạc lắm anh ơi!
Ngày xưa kia bán tử chi tình, vô vòng con rể…
Thầy mẹ ở nhà thương rể để giữa bàn tay…
Gánh tương tư ngày nặng
một ngày
Nay chừ chàng
nghe ai mà nguôi lòng, lạt dạ.
Nên duyên nợ
càng ngày càng xa!...”
Nghệ thuật ấy đã
giúp cho người hò sử dụng được mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Đây là tài sản
vô cùng quý giá mà ông cha ta đã sáng tạo ra, đậm đà bản sắc vùng quê Lệ Thủy
Quảng Bình. Ngày nay dưới ánh sáng Nghị quyết V của BCHTW Đảng, viên ngọc này
càng lunh linh chiếu rọi, làm phong phú thêm nền văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Có thể nói rằng từ bao đời nay, hò khoan Lệ
Thủy gắn liền với đời sống của cư dân nông nghiệp với thôn xóm, nó là một
thứ văn hóa đã ăn sâu vào tâm hồn người dân xứ Lệ. Mặc dù cư dân ở đâychủ yếu
làm nghề lúa nước, cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn với khí hậu khắc nghiệt
nhưng người dân đến tìm đến với những làn điệu dân ca, hò khoan mộc mạc bằng
một tinh thần rất lớn , với một ý chí quyết tâm cao bỏ qua những trở ngại phía
trước để vươn lên và mong muốn đạt được nhiều điều tốt lànểutong cuộc
sống hằng ngày, trong lao động cũng như trong giải trí.
Với tất cả ý chí và tâm hồn cao đẹp đó Hò khoan
Lệ Thủy đã đóng góp một phần không nhỏ vào nền văn hóa chung của dân tộc. Hò
khoan Lệ Thủy còn tạo cho con người sự đoàn kết yêu thương, gửi gắm tình yêu
thiên nhiên, đất nước, con người và hướng tới tương lai qua những làn điệu hò
khoan mộc mạc, dễ gần và dễ đi vào lòng người. Hò khoan Lệ Thủy lưu trữ và giữ
gìn bản sắc văn hóa của người dân Xứ Lệ nói riêng cũng như Việt Nam nói chung.
Ngày nay đất nước ta đang trong quá trình đổi
mới, trình độ dân trí ngày càng nâng cao chắc chắn sẽ tác động tích cực đến văn
hóa địa phương đặc biệt là những làn điệu hò khoan và làm cho hò khoan Lệ Thủy
ngày càng phong phú thêm. Chúng ta hi vọng rằng nhân dân sáng tác ra nhiều đứa
con tinh thần và sẽ giữ gìn những tinh hoa văn hóa, bảo tồn bản sắc văn hóa dân
tộc của người dân Lệ Thủy góp phần vào sự phong phú của văn hóa nước nhà.