THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 11
Số lượt truy cập: 10988538
QUẢNG CÁO
Một số biện pháp giáo dục đạo đức học sinh góp phần nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp. 4/10/2023 9:26:00 AM
Giáo dục đạo đức cho học sinh là một việc làm quan trọng và cần thiết, nếu công tác này được coi trọng thì chất lượng giáo dục toàn diện sẽ được nâng lên vì đạo đức có mối quan hệ mật thiết với các mặt giáo dục khác. Vì thế, trong nhà trường, việc dạy chữ phải kết hợp với dạy người nhằm rèn luyện học sinh trở thành con người phát triển toàn diện. Để giáo dục đạo đức cho học sinh, GVCN cần thực hiện các biện pháp sau:

Biện pháp 1: Tìm hiểu đối tượng học sinh

Tìm hiểu đối tượng học sinh là biện pháp rất quan trọng, là cơ sở để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức học sinh. Việc tìm hiểu đối tượng học sinh giúp GVCN biết cụ thể hơn, chi tiết hơn hoàn cảnh từng em trong lớp, phân loại đối tượng, từ đó lên kế hoạch giáo dục cụ thể, chi tiết, phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Để tìm hiểu đối tượng học sinh, trước hết cần tiến hành điều tra thông tin cá nhân, hoàn cảnh của từng học sinh trong lớp thông qua hồ sơ, học bạ, giáo viên chủ nhiệm cũ và các mối quan hệ của học sinh để nắm khái quát tình hình học lực, đạo đức, điều kiện, hoàn cảnh của các em.

Biện pháp 2: Nâng cao nhận thức cho học sinh về giáo dục đạo đức.

  Đặc điểm của học sinh lớp 8 ở cấp THCS là đa số các em đang ở độ tuổi dậy thì, có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về mặt tâm lý lẫn sinh lý. Một số học sinh ham chơi, lười học, kết bạn với các thanh thiếu niên hư hỏng ở bên ngoài nhà trường nên dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội như chơi điện tử, đánh bài, hút thuốc lá... Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức về giáo dục đạo đức cho học sinh có vai trò quan trọng, giúp các em chủ động, tự giác, tích cực vươn lên trong học tập và rèn luyện đạo đức.

Nâng cao nhận thức cho học sinh để các em phát huy tính tự giác của mình chứ không phải bằng sự cưỡng ép, mệnh lệnh, doạ nạt, biến học sinh thành những đứa trẻ thụ động, sợ sệt, rụt rè. Biện pháp này đòi hỏi người GVCN phải kiên trì, nhẫn nại, phải có tình thương với học sinh một cách sâu sắc, giải thích cặn kẽ, tỉ mĩ cho các em hiểu để các em tự giác thực hiện.

GVCN cần tiến hành nâng cao nhận thức về giáo dục đạo đức cho học sinh lớp mình bắt đầu từ những việc nhỏ như: giáo dục các em ý thức lao động vệ sinh phong quang trường lớp, hướng dẫn và quán triệt cho các em vệ sinh lớp học sạch sẽ, bàn ghế gọn gàng ngăn nắp, không viết vẽ bậy lên tường, bàn ghế; nhắc nhở các em thường xuyên chăm sóc công trình măng non, bảo vệ cơ sở vật chất, sử dụng an toàn và tiết kiệm điện nước; phát động nuôi heo đất ủng hộ học sinh có hoàn cảnh khó khăn với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Biện pháp 3: Luôn quan tâm, gần gũi, yêu thương học sinh.

Giáo viên chủ nhiệm không chỉ là thầy cô mà còn là “người bạn lớn” của học sinh. Sự quan tâm, gần gũi, yêu thương của thầy cô tạo cho các em sự thân thiết, tin tưởng để có thể dễ dàng bộc lộ tâm tư tình cảm, điều mong muốn của chính mình. Qua đó, giáo viên có thể nắm bắt tư tưởng và ý muốn của các em, sự thay đổi về tâm sinh lí để kịp thời uốn nắn, ngăn chặn những suy nghĩ nông cạn, sai lầm hay các hành vi không hay.

  Để cảm hoá và giáo dục đạo đức học sinh, người giáo viên cần quan tâm, gần gũi với học sinh. Bám trường, bám lớp, tìm hiểu cặn kẽ tâm tư, nguyện vọng của từng học sinh, kiên trì nhẫn nại trong công việc. Trong các buổi sinh hoạt 15 phút đầu giờ nên dành vài phút để nói chuyện, tìm hiểu, trao đổi tâm tư, tình cảm với các em. Lắng nghe các em nói, khuyến khích các em bày tỏ suy nghĩ của mình.

 Biện pháp 4: Giáo dục đạo đức thông qua hoạt động học trên lớp.

Trong hệ thống các môn học ở trường phổ thông, mỗi môn học đều có vai trò nhất định trong việc giáo dục đạo đức học sinh. Thông qua các hoạt động học tập trên lớp, giáo viên sẽ hướng dẫn, hỗ trợ, cung cấp cho các em về kiến thức, bồi dưỡng cho các em phát triển các năng lực, phẩm chất, về truyền thống đạo đức dân tộc, về những kinh nghiệm, kỹ năng ứng xử cơ bản trong cuộc sống.

Cần sử dụng phương pháp dạy học nêu gương để giáo dục phẩm chất, đạo đức cho học sinh. Lựa chọn các tấm gương học sinh, giáo viên tiêu biểu; tấm gương là những “người tốt, việc tốt” trong xã hội đương đại; tấm gương trong quá khứ, đặc biệt là tấm gương chủ tịch Hồ Chí Minh. Căn cứ vào từng bài cụ thể, để lựa chọn những tấm gương phù hợp. Đối với các tấm gương học sinh tiêu biểu, ngoài nêu gương, cần tiến hành khen thưởng cho các em. Việc động viên, khen ngợi kịp thời giúp các em phát huy được tính tích cực, tự giác trong học tập cũng như các hoạt động khác. Bởi khi được nêu gương, khen ngợi các em như được tiếp thêm sức mạnh để phấn đấu. Để tạo ra niềm tin đối với học sinh, GVCN cũng phải là tấm gương mẫu mực trong cuộc sống để học sinh noi theo.

Ngoài ra, cần cho học sinh xem nhiều hoạt cảnh, câu chuyện giáo dục về đạo đức; đóng vai các nhân vật trong từng tình huống theo câu chuyện của bài học; tổ chức cho học sinh thực hành liên hệ thực tế; cho học sinh nhận xét, đánh giá lẫn nhau…

 Biện pháp 5: Giáo dục đạo đức thông qua hoạt động giáo dục Ngoài giờ lên lớp.

Hoạt động giáo dục NGLL là cách tốt nhất để giáo viên rèn luyện các kĩ năng sống, giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức lối sống cho học sinh. Thông qua hoạt động này, các em cùng nhau học tập, cùng nhau sinh hoạt, vui chơi lành mạnh, trong sáng, qua đó giúp các em có tinh thần tập thể, biết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau bàn bạc để tìm ra giải pháp, sáng kiến tổ chức các hoạt động tập thể khi được giao phó. Để giáo dục đạo đức cho học sinh đạt hiệu quả tốt thông qua hoạt động NGLL, khi xây dựng kế hoạch cần luôn chú ý đến các yếu tố:

+ Hoạt động phải phù hợp với yêu cầu, nguyện vọng và khả năng của học sinh, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của nhà trường và địa phương.

+ Tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động với nhiều hình thức đa dạng  theo từng chủ đề, chủ điểm.

           Biện pháp 6: Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể.

Nhà trường, gia đình và các tổ chức đoàn thể đều có vai trò quan trọng trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Tôi đã thực hiện giải pháp này cụ thể như sau:

* Đối với nhà trường: Ngoài việc giảng dạy trên lớp, tôi nắm bắt tình hình của lớp và luôn trao đổi với nhà trường về tình hình của học sinh. Tiếp thu kế hoạch của nhà trường để triển khai công việc cho học sinh. Đề xuất các giải pháp, phương thức và đề nghị được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ BGH nhà trường trong quá trình giáo dục học sinh ở những tình huống đặc biệt.

* Với phụ huynh: Phối hợp chặt chẽ với ban đại diện cha mẹ học sinh lớp qua Zalo, Mesenger nhóm lớp để thông báo tình hình cụ thể của lớp và một số hoạt động cần thiết khác liên quan đến vấn đề giáo dục học sinh. Ngoài ra, tôi thường trò chuyện, trao đổi tình hình của học sinh với phụ huynh bằng nhiều hình thức như: đến thăm nhà, mời phụ huynh đến trường dự họp, gửi sổ liên lạc, liên lạc qua điện thoại…

* Với tổ chức đoàn – đội: Trong năm học qua, bản thân tôi luôn động viên các em tham gia đầy đủ các hoạt động Đoàn, Đội; chỉ rõ cho các em biết các giá trị, ý nghĩa của các hoạt động mà các em sẽ có được. Khuyến khích các em rèn luyện tốt để trở thành đội viên gương mẫu, làm hạt nhân cho công tác đoàn ở năm học sau.

Bằng những kinh nghiệm của mình trong những năm tham gia làm công tác chủ nhiệm, tôi đã tự đúc rút được một số giải pháp cho bản thân trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Hi vọng rằng chất lượng giáo dục đạo đức học sinh sẽ ngày càng được nâng cao và có hiệu quả hơn.


z4196680279563_04260dbc102ad1972663792e09f3f3c0.jpg

Giáo viên: Lê Thị Tình
TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Nguyễn Văn Chung
Nguyễn Văn Chung
Hiệu trưởng
Lê Văn San
Lê Văn San
P.Hiệu trưởng
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG THCS HỒNG THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Địa chỉ: Xã Hồng Thủy - Huyện Lệ Thủy - Tỉnh Quảng Bình
Điện thoại: 0914812994 * Email: thcshongthuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com